Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp

Những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh xác định xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp (DN) là nhiệm vụ then chốt góp phần phát triển DN bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người lao động (NLĐ). Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”, các cấp Công đoàn tỉnh đã phối hợp với DN thực hiện nhiều giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lực lượng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Từ đó tạo tâm lý ổn định, giúp NLĐ yên tâm cống hiến, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động tại khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình).

“Nóng” tình trạng ngưng việc tập thể

Toàn tỉnh hiện có trên 78.000 CNVCLĐ, chiếm 9,4% dân số. Trong đó có trên 63.000 đoàn viên công đoàn, sinh hoạt tại 1.052 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc 10 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện, thành phố và 5 công đoàn ngành, gồm 821 đơn vị khu vực hành chính nhà nước và 231 đơn vị khu vực sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê, trong năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 7 vụ với trên 1.300 lượt công nhân lao động (CNLĐ) đình công, tự ý ngừng việc tập thể để kiến nghị với DN về tiền lương, thưởng và các chế độ, chính sách đối với NLĐ, tập trung chủ yếu tại địa bàn có đông NLĐ làm việc thuộc huyện Lương Sơn, Lạc Sơn… Điển hình như ngày 13/5/2023, khoảng 250 công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm chi nhánh Lạc Sơn ngừng việc tập thể đề nghị tăng lương và giải quyết một số chính sách khác; tháng 7/2023, gần 100 CNLĐ Công ty TNHH Thiên Diệu, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) ngừng việc tập thể, kiến nghị DN giải quyết 17 nội dung về tiền lương tăng ca, chế độ nghỉ ốm… Trước đó, dịp Tết Nguyên đán 2023, khoảng 200 CNLĐ thuộc Công ty giầy Hồng An tại xã Liên Sơn (Lương Sơn) ngừng việc tập thể bởi mâu mắc với chủ sử dụng lao động về tiền lương, thưởng. Tại thời điểm đó, phần lớn DN rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19, đơn hàng bị cắt giảm, NLĐ buộc phải nghỉ việc dẫn đến tình trạng CNLĐ hoang mang, tụ tập đông người tại DN để đòi quyền lợi, gây mất trật tự công cộng. Các vụ việc đình công, ngừng việc tập thể không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đối với DN và NLĐ mà còn ảnh hưởng đến uy tín, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại cơ sở.

Ông Bùi Văn Thương, Chủ tịch CĐCS Công ty giầy Hồng An, xã Liên Sơn (Lương Sơn) cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngừng việc tập thể tại DN là khúc mắc về vấn đề lương, thưởng. Do DN chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khiến đơn hàng bị cắt giảm, thị trường tiêu thụ đứt gãy nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền chưa thực hiện tốt dẫn đến việc NLĐ hiểu sai về các chế độ lương, thưởng nên bức xúc, đình công tập thể. Ngay sau đó, Ban chấp hành CĐCS đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để tổ chức đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc, ổn định sản xuất”.

Xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động

Thực tế cho thấy, việc CNLĐ đình công, ngừng việc tập thể diễn ra trong năm 2023 đã trở thành vấn đề “nóng” trong xây dựng mối quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN. Theo rà soát, có 2/7 vụ việc CNLĐ ngừng việc tập thể tại các DN có tổ chức công đoàn trực thuộc LĐLĐ tỉnh quản lý. Còn lại là các DN chưa thành lập tổ chức công đoàn và DN có tổ chức công đoàn trực thuộc công đoàn ngành Trung ương đóng trên địa bàn. Đồng chí Tống Đức Chiến, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh cho biết: “Qua tìm hiểu thực tế, các vụ việc CNLĐ tự ý ngừng việc tập thể diễn ra tại các DN trên địa bàn chủ yếu xuất phát từ xung đột lợi ích, quyền lợi giữa DN và NLĐ. Phần lớn vụ việc liên quan đến chậm lương, chế độ, chính sách đối với NLĐ chưa thỏa đáng. Tại các DN chưa phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, NLĐ bức xúc, dồn nén dẫn đến đình công”.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 DN với trên 34.000 CNLĐ. Tuy nhiên, các DN đều có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ; mới có 231 DN đã thành lập tổ chức công đoàn, chiếm khoảng 6% tổng số DN toàn tỉnh.

 

Trên thực tế vẫn còn nhiều chủ DN chưa thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động. Không mặn mà thành lập tổ chức công đoàn, mặc dù DN đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định. Một số DN cho rằng, việc tổ chức công đoàn đi vào hoạt động gây mất thời gian, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, việc tổ chức đối thoại giữa DN và NLĐ còn mang tính hình thức, chủ sử dụng lao động không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ CĐCS chủ yếu kiêm nhiệm các chức vụ nên không được đào tạo chuyên sâu, từ đó chưa phát huy hết chức trách, nhiệm vụ là cầu nối giữa DN và NLĐ. Một bộ phận NLĐ khi tìm kiếm việc làm, tham gia tuyển dụng tại các DN không tìm hiểu kỹ thông tin về các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Quá trình ký kết hợp đồng lao động không có đề xuất, kiến nghị cụ thể dẫn đến xảy ra mâu mắc với chủ sử dụng lao động trong quá trình làm việc.

Một trong những hạn chế tại một số DN có tổ chức công đoàn hiện nay là chủ sử dụng lao động và NLĐ chưa ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). TƯLĐTT là văn bản thoả thuận đạt được thông qua hình thức thương lượng giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, trong đó có quy định về các điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Nội dung của TƯLĐTT không được trái với quy định của pháp luật và có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật; thương lượng về các vấn đề tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… Tuy nhiên, đến nay chỉ có 174/231 DN có tổ chức công đoàn đã hoàn thành việc ký kết TƯLĐTT giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ.

Đối thoại để thấu hiểu 

Thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh đã hướng dẫn CĐCS chủ động phối hợp, đề xuất với DN thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, đôn đốc DN chủ động đối thoại để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của NLĐ; hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động do DN gặp khó khăn. Theo đó, tại các buổi đối thoại, lãnh đạo DN và đại diện tập thể NLĐ thẳng thắn trao đổi, thảo luận, giải đáp thấu đáo kiến nghị giúp NLĐ yên tâm sản xuất, góp phần xây dựng đơn vị phát triển ổn định. Duy trì triển khai đối thoại định kỳ để lãnh đạo DN kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, có hướng giải quyết vướng mắc, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh. Nhiều ý kiến được DN tiếp thu điều chỉnh, giải quyết hài hòa, hợp lý, tạo tâm lý thoải mái cho NLĐ.

Để hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể tại các DN, ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tại các khu vực tập trung đông CNLĐ tiềm ẩn nguy cơ. Kịp thời chấn chỉnh các DN chưa thực hiện đúng quy định, không đảm bảo chế độ, chính sách đối với NLĐ. Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động chủ động tham mưu, đề xuất tổ chức 16 buổi tuyên truyền tại các DN, thu hút khoảng 1.600 NLĐ tham gia. Triển khai kế hoạch giám sát 15 DN trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc chấp hành quy định của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thời giờ nghỉ ngơi và chính sách tiền lương. Dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, các cấp Công đoàn phát huy vai trò là cầu nối thắt chặt mối quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được triển khai nhằm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, LĐLĐ tỉnh và 12/15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức chương trình Tết sum vầy với tổng trị giá quà tặng gần 4 tỷ đồng. Trong đó có 614 suất quà, trị giá 380 triệu đồng được huy động từ các đơn vị, DN. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống CNLĐ, nhất là đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua đó, đoàn viên, NLĐ nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của tổ chức công đoàn. Từ đó tạo động lực, khích lệ đoàn viên, NLĐ thi đua lao động sản xuất, gắn bó vì sự phát triển của DN.

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra “điểm nóng” về đình công, ngưng việc tập thể tại các DN. Với phương châm đồng hành vì sự phát triển bền vững của DN, bảo đảm lợi ích của NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS trong DN, đặc biệt tại DN ngoài nhà nước. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ CĐCS nhằm phát huy hiệu quả vai trò cầu nối, đại diện, kịp thời nắm bắt, đề xuất biện pháp xử lý mâu thuẫn trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp, ngưng việc tập thể. Phát huy vai trò của TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, nhất là vấn đề chế độ làm thêm giờ, bữa ăn ca… Qua đó hướng đến mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.


Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *