Những năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Hòa Bình có nhiều chuyển biến quan trọng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến 31/5/2024 toàn tỉnh hiện có 77.932 lao động, số CNVCLĐ ở các đơn vị có tổ chức Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quản lý: 66.765 người, số đoàn viên: 64.004 người, nữ: 45.313 người, trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp: 34.629 người, khu vực sản xuất kinh doanh: 29.375 người. Tổng số công đoàn cơ sở là 1.060 đơn vị, trực thuộc 10 LĐLĐ huyện, thành phố và 05 Công đoàn ngành (trong đó, khu vực hành chính Nhà nước: 827 đơn vị; khu vực sản xuất kinh doanh: 233 đơn vị).
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động luôn được các cấp Công đoàn tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm, không ngừng đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy các phong trào, hoạt động công đoàn, tích cực đóng góp vào thành tích chung của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Công đoàn các cấp đã và đang thực sự là chỗ dựa vững chắc của người lao động với nhiều hoạt động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ghi dấu ấn của tổ chức Công đoàn. Chương trình “Tết Sum vầy”, Gian hàng “Không đồng”, chương trình “Khám và tư vấn sức khỏe miễn phí”; chương trình “Mái ấm công đoàn”, chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”… hằng năm được triển khai đồng bộ và có sự đổi mới về quy mô, phương pháp tổ chức linh hoạt hướng tới người lao động, tạo điều kiện thuận tiện để người lao động được thụ hưởng các quyền lợi, chính sách từ tổ chức Công đoàn. Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, các cấp công đoàn đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu dương, tôn vinh CNVCLĐ tiêu biểu… nhằm nâng cao đời sống tinh thần, lan tỏa các phong trào thi đua, gắn kết người lao động và thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn. Thông qua mỗi nội dung, mỗi chương trình hoạt động được triển khai là những điểm nhấn giúp đoàn viên và người lao động thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với CNVCLĐ.
Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động vẫn còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp có công đoàn cơ sở nhưng chưa ký kết được thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể có điều khoản có lợi cho người lao động hơn quy định của Luật chưa nhiều. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động có lúc, có nơi còn thụ động. Công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiến nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật đối với người lao động chưa thường xuyên,…
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, trong thời gian tới, cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ để tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi này của tổ chức Công đoàn Việt Nam:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; thường xuyên lãnh đạo, định hướng để tổ chức của người lao động chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong triển khai nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị.
Hai là, tham mưu, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật, các dự thảo văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động. Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao dộng và tổ chức công đoàn.
Ba là, trên cơ sở chính sách, pháp luật, cơ chế của Nhà nước đối với công nhân lao động, chính quyền địa phương cần xây dựng những chính sách phù hợp vừa thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại địa phương; đồng thời, bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập và các lợi ích vật chất, tinh thần khác của công nhân lao động. tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động và các chính sách liên quan đến NLĐ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Bốn là, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp cần định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, yêu cầu chính đáng của người lao động. tạo điều kiện để người lao động tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.
Năm là, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ, chính sách khác và quy định có liên quan đến người lao động; vai trò của công đoàn đại diện bảo vệ người lao động trong thời kỳ hội nhập, cách mạng công nghệ và chuyển đổi số.
Sáu là, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng người lao động; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng về cơ sở. Nâng cao nhận thức, năng lực nhận biết và tự phòng ngừa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, góp phần giảm thiểu thiệt hại về giải quyết kéo dài, hạn chế tranh chấp lao động liên quan tới nhiều người lao động. Nâng cao trình độ, năng lực và điều kiện làm việc cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động.
Có thể khẳng định rằng, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn gắn với chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong điều kiện hiện nay là một nhiệm vụ chính trị, tạo động lực vật chất, tinh thần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, giai cấp công nhân và toàn xã hội. Đây cũng là chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng này, tổ chức và hoạt động công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là cơ sở để thực hiện chủ đề Đại hội Công đoàn tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023- 2028: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động. Góp phần xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ”./.
TH: Tống Đức Chiến (Trưởng Ban CSPL&QHLĐ LĐLĐ tỉnh Hòa Bình)
Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng
ignore_sticky_posts
thay cho caller_get_posts
(sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737