Công nhân phải đối mặt với nhiều thách thức
Đến năm 2023, số công nhân lao động làm công, hưởng lương trong các doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm khoảng 14% dân số, 27% lao động xã hội nhưng đã cùng với doanh nghiệp, người sử dụng lao động tạo ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội.
Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, nhận thức chính trị, pháp luật của công nhân ngày càng được cải thiện; từng bước làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao chất lượng nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, giai cấp công nhân nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà nguyên nhân chủ quan là “Chất lượng đội ngũ công nhân, người lao động nước ta cũng có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập; còn không ít những đoàn viên, người lao động có trình độ nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động” (1).
Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng để kích động gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta từ cơ sở. Đồng thời, khi làm việc trong môi trường doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh các tranh chấp liên quan đến quyền lợi, chế độ chính sách. Đây là hiện tượng có tính tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường, bởi vì khi tham gia quan hệ lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều đặt ra mục đích của mình và cố gắng để đạt được một cách tối đa.
Nâng cao ý thức chính trị để công nhân hiểu rõ hơn về giai cấp mình, gắn bó với công việc và tự hào về những đóng góp của mình đối với doanh nghiệp, với đất nước. Ảnh: mof.gov.vn
Người lao động có xu hướng đòi hỏi tiền lương và các quyền lợi ở mức cao nhất có thể, trong khi người sử dụng lao động lại có xu hướng cắt giảm chi phí, tiền lương và các điều kiện lao động khác ở mức thấp nhất có thể. Vì vậy, khả năng xảy ra xung đột, bất đồng và phát sinh tranh chấp là không thể tránh khỏi.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chính trị cho công nhân là góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời nâng cao sức “đề kháng” với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một bộ phận công nhân “… ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân…”(2) mà một trong những nguyên nhân cần quan tâm là chưa nhìn nhận, đánh giá sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa… của giai cấp này.
Trong nhiều trường hợp, chỉ nhìn vào từng nhóm đối tượng hoặc từng đối tượng công nhân riêng lẻ, đặc thù như công nhân di cư còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, lao động giản đơn có thu nhập thấp…; nhất là chỉ nhìn vào số lượng và vào hiện tại, mà không thấy chất lượng và tương lai của giai cấp công nhân Việt Nam. Việt Nam đang trong quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế thì giai cấp công nhân sẽ phát triển mạnh mẽ, ngày càng hiện đại, lớn mạnh (3).
Ngoài ra, khi đề cập đến những đóng góp của doanh nghiệp dường như vai trò của công nhân rất mờ nhạt, trong khi họ là những người sản xuất trực tiếp ra sản phẩm có giá trị, chất lượng tốt, với những sáng kiến, sáng tạo đem đến thành công cho doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu và chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường, là “vốn quý”, nhân tố “hữu cơ” không tách rời doanh nghiệp.
Do đó, nâng cao ý thức chính trị cho công nhân, một mặt, để công nhân hiểu rõ hơn về giai cấp mình, gắn bó với công việc và tự hào về những đóng góp của mình đối với doanh nghiệp, với đất nước.
Mặt khác, để xã hội hiểu đúng hơn, đầy đủ hơn về giai cấp công nhân Việt Nam – giai cấp có sứ mệnh lịch sử to lớn lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho phương thức sản xuất tiến tiến; tiên phong trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam (4).
Nhiệm vụ của công đoàn
Tuyên truyền, vận động người lao động là một trong ba chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn đã được Hiến định. Mục đích của công đoàn là tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định.
Cùng với đó là nâng cao nhận thức chính trị của công nhân; cổ vũ, động viên, thúc đẩy công nhân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; làm cho công nhân, người lao động thấm nhuần sâu sắc hệ tư tưởng giai cấp công nhân, nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nắm vững, hiểu biết sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống của dân tộc, truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam.
Từ đó, giúp công nhân có hành động tự giác, tự mình trở thành giai cấp tiên phong, tạo ra khả năng lôi cuốn mọi giai tầng trong xã hội tham gia các phong trào cách mạng do công nhân làm nòng cốt.
Nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn đã tích cực ứng dụng công nghệ số, Internet và mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật, truyền tải thông tin và tăng cường tương tác, chia sẻ tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên với công đoàn; hình thành các chương trình hoạt động và đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan tỏa lớn trong CNVCLĐ.
Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn; đề án tuyên truyền, vận động công nhân trên mạng xã hội… Các cấp Công đoàn nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp với cơ quan truyền thông; hình thành các trang mạng xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của các trang thông tin điện tử; triển khai các chiến dịch truyền thông có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của đoàn viên, CNVCLĐ và dư luận xã hội; phối hợp tổ chức học lý luận chính trị dành cho cán bộ CĐCS; bồi dưỡng “Nâng cao hiểu biết chính trị, pháp luật” cho CNLĐ. Nhiều đơn vị duy trì tốt hoạt động của mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; xây dựng lực lượng cán bộ công đoàn nòng cốt, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chính trị cho công nhân là góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Ảnh: congdoan.vn
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cho CNLĐ được coi trọng. Nhiều đơn vị đã chủ động kiến nghị, đề xuất với chính quyền đồng cấp, người sử dụng lao động và huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của đoàn viên, người lao động.
Các CĐCS ở nhiều LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành Trung ương có đông đoàn viên, CNLĐ là đồng bào dân tộc, tôn giáo đã chăm lo, tổ chức, tạo điều kiện để CNLĐ được tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, cơ cấu nền kinh tế sẽ chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp.
Chất lượng CNLĐ trong những năm tới có xu hướng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, từng bước được trí thức hóa, trong đó CNLĐ có trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp cao là bộ phận nòng cốt nhất của GCCN.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo… đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động, công nhân, mang đến những thay đổi sâu sắc trong quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội, như: Quan hệ giữa chủ và thợ, nhất là trong các doanh nghiệp liên doanh, 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân; quan hệ giữa công nhân với công đoàn; quan hệ giữa công nhân với nông dân, giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị với nông thôn; quan hệ giữa công nhân với trí thức; quan hệ giữa GCCN với Đảng…
Quá trình toàn cầu hóa có thể làm gia tăng khoảng cách thu nhập với đời sống của CNLĐ, làm gia tăng khoảng cách giàu – nghèo và đặt ra các nguy cơ về các giá trị văn hóa truyền thống bị lai căng, bị chi phối bởi các giá trị ngoại lai như lối sống thực dụng, phóng thoáng sẽ làm tổn hại đến văn hóa dân tộc, tác động tiêu cực đến lối sống của công nhân.
Đứng trước bối cảnh trên, công tác truyên truyền, vận động nâng cao ý thức chính trị cho công nhân cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Trước hết là, đổi mới nội dung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến người lao động, tổ chức công đoàn, góp phần củng cố và nâng cao nhận thức về giai cấp công nhân, về Đảng, về Công đoàn, năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Tập trung đầu tư xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền, chủ động định hướng, lan tỏa trong đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đoàn viên, người lao động theo hướng thiết thực, dễ tiếp cận, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Hai là, sử dụng kết hợp hình thức tuyên truyền miệng với hình ảnh trực quan, hoặc lồng ghép vào các hội nghị, sinh hoạt công đoàn, qua tổ chức hội thi, đối thoại, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, giải đố câu hỏi pháp luật, hái hoa dân chủ… Phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, góp phần tăng cường sự đồng thuận, củng cố niềm tin, niềm tự hào của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên công đoàn; lựa chọn những cán bộ tuyên truyền không nhất thiết là cán bộ chuyên trách công đoàn mà cả những người ở lĩnh vực khác mà nhiệt tình, có năng lực, am hiểu rộng, có kỹ năng và phương pháp tuyên truyền sinh động. Xây dựng, hoàn thiện chính sách đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và chính sách ưu đãi thông qua hoạt động của các nhà văn hóa lao động, câu lạc bộ công nhân, hệ thống truyền thông đại chúng, các hoạt động văn hóa, thể thao và hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội.
Bốn là, xây dựng, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để công nhân có thể “biết, bàn, làm, kiểm tra” các hoạt động của doanh nghiệp, của công đoàn thông qua những hình thức: Đối thoại, thương lượng về thỏa ước lao động tập thể; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo kiến nghị theo qui định của pháp luật; đặt hòm thư góp ý của công nhân;…
Năm là, xây dựng các tổ chức Đảng và đoàn thể chính trị – xã hội trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường bản chất GCCN trong Đảng, có giải pháp đấu tranh, phản bác những quan điểm sai lệch, phủ nhận vai trò, sứ mệnh lịch sử của GCCN. Tổ chức Đảng trong công nhân phải tăng cường xây dựng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và nâng cao hiệu quả phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động.
Tài liệu tham khảo:
(1) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
(2) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
(3), (4) Tính cấp thiết nâng cao ý thức chính trị của công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước – PGS, TS. Phan Thanh Khôi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng
ignore_sticky_posts
thay cho caller_get_posts
(sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737