Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiệnThỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình  

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Đây được coi là giải phát giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, người lao động có thu nhập cao, ổn định.

Phát huy vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành, hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn với nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên công đoàn, người lao động (NLĐ) theo Luật định.

Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 231 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, với tổng số trên 34.000 công nhân lao động (07 doanh nghiệp Nhà nước, 224 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước); có 100% doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại hằng năm, trong đó 172/231 doanh nghiệp đã ký kết TƯLĐTT (đạt 75%). Nhiều bản thỏa ước đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động; phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đào tạo nghề; cải thiện điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, chế độ bảo hộ lao động, hòa giải và thương lượng khi có tranh chấp lao động; tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp lễ tết, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, sinh nhật, tiền tàu xe khi nghỉ phép; chế độ đối với lao động nữ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phương tiện đi lại cho công nhân lao động…

Tuy nhiên, việc đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và NLĐ quan tâm; hiện còn 25% doanh nghiệp chưa thực hiện ký TƯLĐTT, số TƯLĐTT đạt loại A chưa nhiều; quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT chưa tuân thủ đầy đủ quy trình tổng hợp, chọn lọc ý kiến của NLĐ trước khi tổ chức ký kết, chưa thông qua sự đồng thuận của tập thể NLĐ để lương lượng, ký kết TƯLĐTT; còn có doanh nghiệp ký kết mang tính hình thức, sao chép các nội dung ngang luật của Nhà nước quy định nên chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. Đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động chưa thực sự ổn định và quyền lợi của NLĐ chưa được đảm bảo đúng quy định.

Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.  Đặc biệt để thực hiện tốt một trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam “ Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần thực hiện một số nội dung sau như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động và NLĐ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Phát huy vai trò Tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh nhằm tăng cường tuyên truyền về những quy định về thương lượng, đối thoại, ký kết TƯLĐTT theo Bộ Luật lao động.

Hai là, đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp trực tiếp tham gia thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động trong xây dựng TƯLĐTT; tổ chức các hội nghị, các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT trong doanh nghiệp.

Ba là, xây dựng biểu mẫu và quy trình tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT; tập trung nâng cao chất lượng các bản TƯLĐTT ký mới, đồng thời rà soát các bản TƯLĐTT đã hết hạn hoặc đang thực hiện để bổ sung lợi ích cho NLĐ.

Bốn là, giao chỉ tiêu cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở  hằng năm về hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Định kỳ tổ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; biểu dương khen thưởng các đơn vị làm tốt và kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Năm là, dành nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và đánh giá xếp loại TƯLĐTT trong các cấp công đoàn.

Sáu là, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi tập thể, trách nhiệm giữa người sử dụng lao động và NLĐ.

TH – Tống Đức Chiến – Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động – Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình

 


Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *