Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng nhằm tạo động lực vật chất, tinh thần cho công nhân và giai cấp công nhân phát triển, phát huy vai trò đối với sự phát triển đất nước”.
Quán triệt quan điểm đó, trong giai đoạn 2017 – 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình và quan tâm chỉ đạo các tổ chức công đoàn trực thuộc quan tâm tới việc nâng cao chất lượng công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại tỉnh Hòa Bình đạt được nhiều kết quả đáng kể
Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 66.184 công nhân, viên chức, lao động; tổng số đoàn viên công đoàn: 64.241 người, nữ: 42.788 người. Tổng số công đoàn cơ sở 1.068 đơn vị (trong đó, khu vực hành chính Nhà nước: 823 đơn vị; khu vực sản xuất kinh doanh: 245 đơn vị).
Xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động là một trong những chức năng cốt lõi, trong những năm qua, công tác chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người lao động được các cấp công đoàn tỉnh Hòa Bình chú trọng, quan tâm. Hằng năm, các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp với lãnh đạo các cơ quan đơn vị, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đến sức khỏe, đời sống của người lao động, như: Tổ chức khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định; Chi trả các khoản phụ cấp cho người lao động. Thực hiện chế độ nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ phép cho người lao động theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động…
Để góp phần cho người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đặc biệt vào dịp lễ tết. Bên cạnh đó, chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động đã được triển khai rộng khắp và được các công đoàn cơ sở tích cực hưởng ứng, quyền lợi của người lao động được đảm bảo. Không dừng lại ở đó, trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Cụ thể: trong 5 năm qua Liên đoàn lao động tỉnh đã tiếp nhận sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ủng hộ cho người lao động trên 3,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng đã rất quan tâm đến vấn đề việc làm – vấn đề căn cốt để nâng cao chất lượng đời sống của người lao động. Xác định việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị doanh nghiệp chính là biện pháp hiệu quả góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, trong những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực tham gia ý kiến đóng góp vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động thông qua việc các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị cán bộ công chức viên chức, Hội nghị người lao động đảm bảo chất lượng và đều đạt tỷ lệ cao. Năm 2017, Hội nghị cán bộ công chức viên chức đạt 91%, Hội nghị người lao động đạt 65,6%. Năm 2018, 99,8% đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức viên chức và 73% đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động. Năm 2020, số cơ quan tổ chức Hội nghị cán bộ công chức viên chức đạt 99%. Số đơn vị doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động đạt 66,2%. Chất lượng Hội nghị được nâng lên, tập trung vào các nội dung như: xây dựng Quy chế đối thoại, Quy chế tổ chức Hội nghị người lao động; lựa chọn thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc… đúng quy trình, bài bản, nghiêm túc. Việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động trong việc đại diện tập thể người lao động tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể được công đoàn các cấp thực hiện có hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Đến nay, tổng số người lao động tại doanh nghiệp có công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung bữa ăn ca: 15,902 người. Đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng và cao hơn 15.000đ ở 15/15 doanh nghiệp đạt 100% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao.
Tổ chức, đại diện cho người lao động đối thoại tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể tại các cấp công đoàn; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quan tâm bồi dưỡng kiến thức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đủ mạnh, có bản lĩnh, có kiến thức pháp luật đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền chế độ chính sách cho người lao động. Kết quả, đã tổ chức được 1.638 cuộc tuyên truyền với 66.595 lượt người tham gia. Thực hiện việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động, có 58.199 lượt công nhân, viên chức, lao động được tuyên truyền học tập, nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp; 40.865 lượt công nhân, viên chức, lao động được cử đi đào tạo, tập huấn, nâng cao tay nghề. Các hoạt động tuyên truyền trên trang Thông tin điện tử Công đoàn Hòa Bình, các phương tiện thông tin đại chúng của các cấp công đoàn được khai thác hiệu quả. Kết quả, có trên 1000 phóng sự, tin bài được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; 180 tin, bài đăng trên trang thông tin điện tử Công đoàn Hòa Bình. Liên đoàn Lao động tỉnh cấp phát 120 tờ báo lao động/ngày cho công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp.
Liên đoàn Lao động đã tạo điều kiện giúp công đoàn cơ sở nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật lao động, góp phần hạn chế việc vi phạm và các phát sinh dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện… trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ bảo đảm tuân thủ pháp luật, phù hợp với đặc thù đơn vị, doanh nghiệp và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Có thể khẳng định, công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động là một trong ba chức năng chính của tổ chức Công đoàn từ ngày đầu thành lập. Vai trò của Công đoàn chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được bảo vệ, được quan tâm hỗ trợ, được chăm lo khi khó khăn, hoạn nạn, giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Những kết quả trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn từ năm 2017-2022 có ý nghĩa rất quan trọng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, các cấp công đoàn cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tập trung hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp; Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam./.
TH: Tống Đức Chiến (Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ Lao động LĐLĐ tỉnh)
Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng
ignore_sticky_posts
thay cho caller_get_posts
(sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737