Công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động là một trong ba chức năng chính của tổ chức Công đoàn từ ngày đầu thành lập. Vai trò của công đoàn chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động được bảo vệ, được quan tâm hỗ trợ, được chăm lo khi khó khăn, hoạn nạn, giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Trong những năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Hòa Bình có nhiều biến đổi quan trọng về cả số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 79.684 lao động (chiếm khoảng hơn 9,4% dân số của tỉnh. Tổng số đoàn viên: 64.404 người, nữ: 43.590 người (chiếm 67,7%); trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp: 34.879 người (chiếm 54,2 %), khu vực sản xuất kinh doanh: 29.525 người (chiếm 45,8%). Tổng số công đoàn cơ sở là 1.065 đơn vị, trực thuộc 10 LĐLĐ huyện, thành phố và 05 Công đoàn ngành (trong đó khu vực hành chính sự nghiệp: 825 đơn vị; khu vực sản xuất kinh doanh 240 đơn vị). Thời gian qua, việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động luôn được các cấp Công đoàn tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm, không ngừng đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy các phong trào, hoạt động công đoàn, tích cực đóng góp vào thành tích chung của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn các cấp đã và đang thực sự là chỗ dựa vững chắc của người lao động với nhiều hoạt động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, cần đề ra các giải pháp đồng bộ để tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi này của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Một là, tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật, quy định có liên quan đến người lao động
Đây là giải pháp mang tính then chốt nhằm mục tiêu chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ tương xứng với mức độ lao động, cống hiến, đóng góp phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, thường xuyên tham mưu, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật, các dự thảo văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động; tiến hành rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội…. Tích cực tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Công văn số 01/BCĐ, ngày 01/11/2023 của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của Tỉnh ủy Hòa Bình.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao dộng và tổ chức công đoàn, trong đó cần: nâng cao nhận thức và đa dạng hoá các hình thức tập hợp trí tuệ của đông đảo người lao động; Xây dựng chính sách thu hút những cán bộ có năng lực, am hiểu thực tiễn, tâm huyết để trực tiếp làm công tác pháp luật của Công đoàn nói chung, công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn nói riêng.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn
Đối với tỉnh Hòa Bình, để thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các cấp uỷ, tổ chức đảng bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, định hướng để tổ chức của người lao động chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong triển khai nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến để các cấp uỷ, tổ chức đảng nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Mặt khác, các cấp ủy cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu người lao động đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Các cấp uỷ cần quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công đoàn. Phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên là cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu. Trong thời gian tới, Liên đoàn lao động cần tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn và phong trào công nhân ở các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay
Ba là, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp chăm lo, bảo vệ lợi ích đối với người lao động
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp cần định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, thường xuyên nắm tình hình đời sống, việc làm, thu nhập, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, yêu cầu chính đáng của người lao động. Tạo điều kiện để người lao động tích cực, tự giác học tập, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần phối hợp, tạo điều kiện về thời gian, về cơ sở vật chất cho công đoàn trong việc tổ chức các hoạt động. Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia các hoạt động của tổ chức công đoàn. Thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Bốn là, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Trên cơ sở chính sách, pháp luật, cơ chế của Nhà nước đối với công nhân lao động, chính quyền địa phương cần xây dựng những chính sách phù hợp vừa thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại địa phương; đồng thời, bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập và các lợi ích vật chất, tinh thần khác của công nhân lao động. Các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn minh công nghiệp, văn minh đô thị. Có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động tại địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động và các chính sách liên quan đến người lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động và các chính sách liên quan đến người lao động, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Năm là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động
Các cấp công đoàn phải nắm chắc và dựa trên luật pháp làm công cụ chủ yếu; đồng thời, phối hợp với các đoàn thể chính trị – xã hội khác để thương thuyết, hòa giải, khuyến nghị cùng với người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ của người lao động. Theo đó, cần nâng cao chất lượng tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ, chính sách khác và quy định có liên quan đến người lao động. Mặt khác cần câng cao chất lượng đại diện ký thỏa ước lao động tập thể thông qua việc nâng cao năng lực đại diện cho người lao động của tổ chức Công đoàn. Nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc, chất lượng giải quyết khiếu kiện, khiếu nại ở cấp cơ sở. Nâng cao vai trò của công đoàn đại diện bảo vệ người lao động trong thời kỳ hội nhập, cách mạng công nghệ và chuyển đổi số.
Sáu là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng người lao động; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng về cơ sở. Nâng cao nhận thức, năng lực nhận biết và tự phòng ngừa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, góp phần giảm thiểu thiệt hại về giải quyết kéo dài, hạn chế tranh chấp lao động liên quan tới nhiều người lao động. Nâng cao trình độ, năng lực và điều kiện làm việc cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động.
Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn hướng về người lao động. Đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở: Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở với người lao động thông qua việc củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động từ tổ công đoàn trở lên. Xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Ban chấp hành công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động. Tăng cường sự tham gia trực tiếp của cấp dưới vào quá trình ra quyết định của công đoàn cấp trên.
Tóm lại, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong điều kiện hiện nay là một nhiệm vụ chính trị, tạo động lực vật chất, tinh thần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, giai cấp công nhân và toàn xã hội. Đây cũng là chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng này, tổ chức và hoạt động công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là cơ sở để thực hiện chủ đề Đại hội Công đoàn tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023- 2028: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động. Góp phần xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ”./.
TH: Tống Đức Chiến (Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ Lao động LĐLĐ tỉnh)
Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng
ignore_sticky_posts
thay cho caller_get_posts
(sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737