Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình giám sát thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội bắt buộc; hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chính sách tiền lương đối với người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hoàn thành kế hoạch giám sát tại 15 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, trong đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu (01 doanh nghiệp); sản xuất dụng cụ thể thao, trang thiết bị cứu hộ và phụ kiện bảo hộ lao động (01 doanh nghiệp); xây dựng, quảng cáo, thu gom rác thải, quản lý chợ và sản xuất xi măng (03 doanh nghiệp); kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng (04 doanh nghiệp); chưng cất và pha chế các loại rượu (01 doanh nghiệp); khám chữa bệnh và sản xuất dược phẩm (03 doanh nghiệp), sản xuất linh kiện điện tử (01 doanh nghiệp); tổ chức tín dụng (01 doanh nghiệp). Loại hình doanh nghiệp chủ yếu là công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 04 doanh nghiệp, chiếm 26,6%; vốn đầu tư trong nước 11 doanh nghiệp, chiếm 73,4%. Số người lao động làm việc trong các doanh nghiệp bình quân khoảng 137 người/doanh nghiệp; doanh nghiệp sử dụng số người lao động nhiều nhất là 821 người, thấp nhất là 14 người.
Qua giám sát, cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành pháp luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (NLĐ) theo quy định; chế độ ốm đau, thai sản, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,… được cơ quan chuyên môn chi trả kịp thời, đúng, đủ các quyền lợi cho NLĐ. Các điểm mới của Bộ Luật lao động năm 2019 được điều chỉnh, bổ sung, nhất là các nội dung liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Đại đa số hợp đồng lao động (HĐLĐ) được ký mới thực hiện đúng quy định. Có 1.053 NLĐ được ký HĐLĐ không xác định thời hạn (chiếm 51,3%); 956 NLĐ được ký HĐLĐ xác định thời hạn không quá 36 tháng (chiếm 46,6%); 44 NLĐ được ký HĐLĐ thử việc, học nghề, tập nghề (chiếm 2,1%). Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động 2019, có doanh nghiệp đã giảm giờ làm việc cho NLĐ xuống 40 giờ/tuần.
Chấp hành đúng quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, xây dựng thang bảng lương, bảng chấm công và định mức lao động. Nhiều doanh nghiệp đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu thiểu vùng do Chính phủ quy định. Một số nội quy lao động đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và cụ thể hóa các quy định của doanh nghiệp đối với NLĐ và được tuyên truyền phổ biến đến NLĐ.
Các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được doanh nghiệp thực hiện tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, công khai, thông qua đối thoại, thương lượng tập thể nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên. Chất lượng bản TƯLĐTT chủ yếu được lựa chọn các nội dung về tiền lương, thưởng, bữa ăn ca; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; đảm bảo việc làm, hoạt động công đoàn và một số nội dung về cơ chế, điều kiện, chế độ phúc lợi khác.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có doanh nghiệp chưa xây dựng nội quy lao động, chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Đa số bản nội quy lao động chưa cụ thể hóa các quy định của doanh nghiệp để NLĐ dễ hiểu, dễ thực hiện. Nhiều đơn vị chưa xây dựng định mức trả lương đối với NLĐ. Việc ký kết HĐLĐ đối với NLĐ ở một số doanh nghiệp chưa đúng quy định pháp luật; nội dung trong HĐLĐ ghi chung chung, không chi tiết, cụ thể về công việc, địa điểm làm việc, chế độ nâng bậc, nâng lương, thời hạn trả lương… gây bất lợi cho NLĐ; các căn cứ, viện dẫn trong HĐLĐ đã hết hiệu lực. Có doanh nghiệp ký HĐLĐ có thời hạn với NLĐ quá 2 lần liên tục, chưa thực hiện Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ. Nội dung, quy trình thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị NLĐ ở một số doanh nghiệp chưa đảm bảo yêu cầu; chất lượng các bản TƯLĐTT còn hạn chế, điều khoản có lợi hơn so với luật định chưa nhiều…
Tại các buổi làm việc, các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc triển khai các chính sách thu hút đầu tư; có cơ chế phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp gặp khó khăn sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát huy hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Quang Tiến – Thịnh Minh trên địa bàn thành phố Hòa Bình và dự án Kè sông Bùi tại huyện Lương Sơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Sớm phê duyệt quy hoạch dự án đô thị, nghỉ dưỡng Phú Hưng Khang để doanh nghiệp triển khai thi công xây dựng, đi vào hoạt động. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, chính sách mới liên quan đến doanh nghiệp cho người sử dụng lao động; hướng dẫn, triển khai thực hiện mức lương mới trong tính chi phí các gói thầu thuộc lĩnh vực xây dựng. Có cơ chế cho đơn vị kinh doanh đặc thù (khai thác quản lý chợ, xử lý rác thải..) được đấu thầu dài hạn hơn khi tham gia các gói thầu trên địa bàn huyện Yên Thủy…
Đồng thời, cam kết tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, sớm khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong thực hiện quy định của pháp luật về BHXH, Bộ Luật lao động năm 2019, đặc biệt các nội dung về HĐLĐ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chính sách tiền lương… đối với NLĐ, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
TH: Tống Đức Chiến Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh)
Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng
ignore_sticky_posts
thay cho caller_get_posts
(sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737