Chiều 5.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thảo luận kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phan Văn Anh chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Hoà Bình
Tham dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cán bộ công đoàn chủ chốt của 82 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành, công đoàn ngành, công đoàn các tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến tại 82 điểm cầu. Dự Điểm cầu Hoà Bình có các đồng chí Thường trực, lãnh đạo các ban chuyên đề LĐLĐ tỉnh.
Tại hội nghị, bà Trần Thị Thanh Hà – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (Kế hoạch).
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, mục đích của Kế hoạch nhằm đảm bảo đoàn viên và người lao động đón Tết vui tươi, ấm no, hạnh phúc; thông qua các hoạt động chăm lo Tết, giúp đoàn viên, người lao động nhận thức vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của tổ chức Công đoàn, tin tưởng gắn bó với tổ chức Công đoàn, thúc đẩy phát triển đoàn viên; tạo động lực khích lệ, động viên đoàn viên, người lao động làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn và ngày càng gắn bó với doanh nghiệp…
Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã trình bày dự thảo chủ đề của hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động năm Quý Mão 2023 để các đại biểu đóng góp ý kiến, lựa chọn, đó là “Tết sum vầy – đón xuân vui”, “Tết sum vầy – hạnh phúc đong đầy”, “Tết sum vầy – xuân gắn kết”.
Bà Trần Thị Thanh Hà cho biết, sẽ có 10 hoạt động chăm lo Tết. Trong đó có hoạt động tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo địa phương. Quan tâm đặc biệt tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, thiếu, mất việc làm.
Tổ chức Chương trình “Tết sum vầy” tập trung ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cấp trên trực tiếp cơ sở), tại tác doanh nghiệp, ở nơi có đông đoàn viên, người lao động phù hợp với tình hình thực tế.
Tổ chức phương tiện đưa, đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa đoàn viên, người lao động có nhu cầu về quê đón Tết, quay lại làm việc đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo.
Tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn công đoàn. Trường hợp có nhiều đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết thì tổ chức Chương trình trực tuyến “Tết không xa nhà” và các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.
Tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn, giúp người lao động ở lại cùng doanh nghiệp đón Tết và đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động đón Tết, vui xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật và quay lại làm việc đúng thời gian quy định; thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19.
Truyền thông rộng rãi, nhanh chóng, kịp thời về các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động của các cấp công đoàn, các hoạt động thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các ban, bộ, ngành trung ương trên các phương tiện thông tin, đại chúng, các kênh truyền thông của các cấp công đoàn, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội.
Về nguồn lực để tổ chức thực hiện các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, bà Trần Thị Thanh Hà cho hay, các các cấp công đoàn sẽ thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực phục vụ cho kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo các quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn cơ sở cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng tối đa nguồn tích lũy của đơn vị xây dựng dự toán để đảm bảo kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Các công đoàn cấp trên cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng một phần tài chính công đoàn tích lũy hiện có để hỗ trợ công đoàn cấp dưới thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
“Dự kiến có 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức thấp nhất là 500.000 đồng/người. Tổng số nguồn kinh phí dự kiến là 500 tỉ đồng” – bà Hà cho hay.
Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng
ignore_sticky_posts
thay cho caller_get_posts
(sẽ sớm bị loại bỏ) in C:\xampp\htdocs\wp-includes\functions.php on line 5737